Vào đầu năm 2021, quận Thủ Đức (cũ) được sáp nhập với quận 9 và quận 2 trở thành Tp.Thủ Đức thuộc Tp.HCM. Kể từ đó đến nay, bất động sản nơi đây được chú ý do những biến động tích cực từ hạ tầng giao thông.
Quận Thủ Đức (cũ) giao 70% mặt bằng vành đai 2 cuối năm nay
Mới đây nhất, thông tin dự án vành đai 2 chuẩn bị khởi công khép kín hai đoạn còn lại, đi trực tiếp qua các tuyến đường của quận Thủ Đức (cũ) đang tạo sự chú ý cho khu vực này.
Dự án vành đai 2 Tp.HCM được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài 64km. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn 14km chưa được khép kín. Dự kiến cuối năm 2024, đường Vành đai 2, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp, dài 3,5km và đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,75km sẽ khởi công với tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng. Quận Thủ Đức (cũ) là khu vực được hưởng lợi trực tiếp khi vành đai này đi qua.
Xem thêm thông tin dự án Fiato Uptown Thủ Đức
Hai đoạn vành đai 2 ở Tp.Thủ Đức có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp mở thêm không gian phát triển đô thị phía đông, liên kết các cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ… giảm ùn tắc khu nội thành. Vành đai 2 khi được khép kín sẽ đóng vai trò kết nối vùng và trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội cho quận Thủ Đức. Theo đó, việc sớm triển khai dự án vành đai 2 đáp ứng được mong mỏi của người dân sau nhiều năm chờ đợi, đồng thời tác động đến sự tăng trưởng bền vững của thị trường bất động sản.
Tại cuộc họp do UBND Tp.Thủ Đức tổ chức diễn ra mới đây đã thông tin về việc triển khai kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án đường vành đai 2 Tp.HCM, đoạn qua quận Thủ Đức. Quận này xác định sẽ giao 70% mặt bằng vào tháng 11 để khởi công vành đai 2 TpHCM vào đúng tháng 12 năm nay.
Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Bùi Xuân Cường nhận định, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khép kín hệ thống vành đai là nhiệm vụ ưu tiên của thành phố. Bên cạnh vành đai 3 đang được triển khai, việc hoàn thành Vành đai 2 có ý nghĩa quan trọng để mở rộng không gian phát triển, kết nối đô thị, vận chuyển hàng hóa… góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội cho Tp.Thủ Đức và cả Tp.HCM.
Để bàn giao mặt bằng đúng hẹn, quận Thủ Đức (cũ) đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ kiểm đếm, đo đạc. Mục tiêu của địa phương đến tháng 3 phải hoàn thành trình duyệt dự án, đây là dấu mốc quan trọng để đạt tiến độ ở giai đoạn tiếp theo.
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư đường vành đai 2 Tp.HCM qua Tp.Thủ Đức gồm: Đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp) dài 3,5km, bao gồm nút giao Bình Thái. Tổng cộng có 764 hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng thuộc địa bàn 5 phường TP Thủ Đức là Tăng Nhơn Phú B; Phước Long A; Phước Long B; Bình Thọ; Trường Thọ.
Đoạn 2 từ đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,4km; với 171 hộ dân và tổ chức thuộc 2 phường Trường Thọ và Linh Đông bị ảnh hưởng.
Nguồn cung nhà ở khan hiếm, giá âm thầm tăng trưởng
Việc sắp khép kín vành đai 2 được xem là “vũ khí” cho thị trường bất động sản quận Thủ Đức (cũ) nói riêng, Tp.Thủ Đức nói chung.
Đường vành đai 2 Tp.HCM khép kín cùng loạt hạ tầng đã hiện hữu hoặc đang đẩy mạnh đầu tư tại khu vực phía Đông như Vành đai 3, cao tốc Tp.HCM – Dầu Giây – Phan Thiết, nút giao Mỹ Thủy, cầu Cát Lái, cao tốc Bến Lức – Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu, Sân bay Quốc tế Long Thành, Metro số 4… đang tạo thành chuỗi giao thông liên kết vùng cho khu vực này.
Chưa kể, quận Thủ Đức (cũ) còn là khu vực có tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Đây là là công trình đường sắt đô thị đầu tiên ở Tp.HCM dự kiến thi công xong cuối năm nay, vận hành tháng 6/2024. Theo đó, mô hình quy hoạch đô thị TOD (Transit Oriented Development) cũng có tiềm lực phát triển tại đây khi có lợi thế về hệ thống đường sắt đô thị.
Nếu trong Tp.Thủ Đức, quận 9 và quận 2 nguồn cung bất động sản đa dạng thì quận Thủ Đức (cũ) lại khan hiếm dự án nhà ở nhiều năm qua do quỹ đất cạn kiệt. Đây là khu vực dân cư sinh sống lâu đời, hạ tầng tiện ích cộng đồng đã hiện hữu sẵn. Thế nhưng, để tìm nguồn cung sơ cấp tại đây rất hiếm hoi. Hiện nơi đây chỉ còn vài cái tên như FIATO Uptown, King Crown Infinity là sản phẩm sơ cấp. Trong khi các dự án như Hado Linh Trung, Flora Novia, TDH – RiverView, The Navita, Sagon Avenue, Lavita Charm… đã chào bán trước đó khá lâu và hiện đã hình thành cộng đồng cư dân hiện hữu.
Đại diện Nhà Tốt từng chia sẻ, tại Tp.HCM một số dự án bất động sản gần đường vành đai 3, vành đai 2 cũng đang có tiềm năng tăng giá. Các dự án này đều có quy mô lớn, cả về độ dài lẫn nguồn vốn và tác động tới toàn miền ở nhiều khía cạnh khác nhau. Theo đó, các dự án bất động sản dọc theo tuyến đường này sẽ tạo sự chú ý về tiềm năng phát triển. Cũng theo đơn vị này, giá căn hộ chung cư trung bình tại Tp.HCM vẫn tăng ổn định qua các năm. Riêng về giá trung bình chung tại Thủ Đức trong quý 4/2023 đạt 65,51 triệu đồng/m2, vẫn âm thầm tăng trưởng so với các quý trước đó.
Theo ghi nhận, hiện nhu cầu tìm kiếm bất động sản tại P.Tam Phú, quận Thủ Đức (cũ) khá tốt. Nơi đây ngoài gần tuyến vành đai 2 thì thông quy hoạch công viên Tam Phú – một trong 6 công viên trung tâm của Tp.HCM nằm trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Tp.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 cũng tác động đến tâm lý người mua nhà.
Khi công viên và tuyến vành đai hình thành, khái niệm về khu trung tâm Tp.HCM là quận 1, quận 3 không còn quá quan trọng với người dân, bởi kết nối, tiện ích và giải trí đều được tận dụng ngay bên. Điều này được kì vọng tác động đến tâm lý sở hữu bất động sản cũng như mặt bằng giá bán của khu vực trong tương lai. Mặc dù có nhiều lợi thế song nguồn cung sơ cấp tại P.Tam Phú nói riêng, quận Thủ Đức nói chung vẫn khá ít ỏi. Hiện vẫn chưa có quỹ đất mới nào tại khu vực này manh nha đầu tư ngoài một số dự án căn hộ hiếm hoi xuất hiện trong quý đầu năm 2024.
Từng chia sẻ trong tọa đàm “Tương lai của Thành phố Thủ Đức”, chuyên gia kinh tế – tài chính Đinh Thế Hiển nhấn mạnh, với căn hộ tại quận Thủ Đức (cũ), phải hiểu rằng, ở vị trí đẹp là hạn hữu, 3-5 năm nữa sẽ không còn nữa để mua. Sau này, quỹ đất để phát triển dự án chung cư cũng rất khan hiếm.
“Dòng tiền vào căn hộ tại khu vực Tp.HCM vẫn rất bền vững, ổn định về biên lợi nhuận, không bị mất giá. Với bối cảnh quỹ đất khan hiếm, những dự án chào bán ở thời điểm này có lợi thế rất lớn, bởi sau này quỹ đất cũng chỉ còn lại bấy nhiêu thôi; lợi thế về giá, biên độ, thanh khoản sẽ còn lớn…”, ông Hiển nhấn mạnh.
Chia sẻ về mặt bằng giá đất tại Tp.Thủ Đức, ông Hiển cho rằng, giá tăng nhanh là bởi khu vực có tiềm năng nên nhà đầu tư đón đầu, tạo nên làn sóng về giá. Thậm chí, ở giai đoạn sau họ sẵn sàng mua với giá cao. Về mặt hạn chế là giá lên cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm quỹ đất để phát triển dự án tương thích của các chủ đầu tư.
Theo các chuyên gia, việc giá bất động sản tại Tp.Thủ Đức nói chung, quận Thủ Đức(cũ) nói riêng liên tục thiết lập mặt bằng giá cao trong những năm qua, cũng là điều không quá khó hiểu. Bởi, thực tế khu vực này đang được trợ lực rất lớn về nền tảng kinh tế, cơ sở hạ tầng và chính sách, quy hoạch.
Với định hướng phát triển là trung tâm kinh tế, tri thức, khoa học – công nghệ, tài chính của Tp.HCM, hiện khu vực này đang được kì vọng đầu tư loạt hạ tầng cơ sở, cơ chế chính sách, tài chính…điều này chắc chắn sẽ tác động rõ nét đến thị trường bất động sản Tp.Thủ Đức trong tương lai.
Theo : Cafef.